TIN TỨC


Báo Nghệ An : Khắc phục ô nhiễm môi trường ở công ty CP Bia Sài Gòn- Nghệ An (Kỳ 3)

Bài 3: Sẻ chia để cùng tồn tại và phát triển

(Baonghean) - Có thể khẳng định, việc người dân yêu cầu đảm bảo môi trường sống trong lành là đòi hỏi hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, hiện nay Công ty Bia Sài Gòn- Nghệ Tĩnh đã và đang tập trung mọi giải pháp để khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường thì người dân cũng nên sẻ chia và cho doanh nghiệp cơ hội để chứng minh những nỗ lực của mình…
 
 
Với mong muốn đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các qui định của pháp luật, coi trọng sức khỏe của người dân, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu Công ty Bia có giải pháp đảm bảo môi trường bao gồm cả nước thải, khí bụi, tiếng ồn. Mới đây nhất ngày 1 tháng 4 năm 2014, theo nguyện vọng của nhân dân, UBND tỉnh đã có công văn số 1836/UBND-TN yêu cầu  Công ty Cổ phần bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh chỉ được sản xuất với công suất 25 triệu lít bia/năm và khẩn trương hoàn thành công tác cải tạo, xây dựng mới một số hạng mục công trình xử lý chất thải. Đồng thời giao UBND Thành phố Vinh thành lập tổ giám sát bao gồm đại diện cơ quan chuyên môn của thành phố, đại diện HĐND, UBMTTQ phường Trường Thi, đại diện Ban cán sự khối 10 và các khối lân cận nhà máy để giám sát hoạt động các hạng mục xử lý môi trường của nhà máy bia; Chỉ đạo Công ty cổ phần quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh, các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện việc cải tạo, nạo vét và đậy kín mương thoát nước số 3….
 
 Thi công hệ thống mương số 3.
Thi công hệ thống mương số 3.
 
Nhìn chung, những ý kiến phản ánh của người dân và yêu cầu của UBND tỉnh được Công ty Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh tiếp thu với tinh thần cầu thị. Qua khảo sát ý kiến của các nhà chuyên môn và quan sát trực tiếp dây chuyền công nghệ sản xuất và hệ thống xử lý nước thải của công ty, chúng tôi nhận thấy: Hiện nay, dây chuyền sản xuất của công ty khá hiện đại, hầu hết máy móc nhập từ nước ngoài theo công nghệ tiên tiến. Hệ thống  xử lý nước thải đang được tích cực đầu tư, hoàn thiện - là hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học. Đây là phương pháp dựa trên cơ sở sử dụng hoạt động của vi sinh vật để phân hủy các hợp chất hữu cơ gây nhiễm bẩn trong nước thải. Các vi sinh vật sử dụng các chất hữu cơ và một số chất khoáng làm nguồn dinh dưỡng. Hệ thống xử lý được chia làm 2 giai đoạn chính: xử lý sinh học yếm khí và xử lý sinh học lên men theo mẻ (SBR). Công suất hệ thống đạt 1.200 m3/ngày đêm. Nguồn cung cấp nước phục vụ sản xuất cho Công ty là nước máy thành phố. Lượng nước sử dụng trung bình khoảng 270.000 m3/năm. Nước thải sản xuất: Phát sinh từ quá trình sản xuất bia, vệ sinh các máy móc thiết bị, thùng chứa, sàn nhà… đã được thu gom vào hệ thống xử lý tập trung của nhà máy. Nước thải sinh hoạt: định mức sử dụng 40 lít/người/ngày.
 
Ngoài việc hạ công suất từ 50 triệu lít xuống còn 25 triệu lít/ năm, công ty đã xây dựng mới bể lắng cặn thu gom nước thải đầu vào với dung tích 360m2, xây dựng mới bể đối chứng lưu giữ nước thải sau khi đã xử lý, làm kín khu vực bể yếm khí chống phát tán mùi và hiện đang triển khai ký hợp đồng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để xử lý nước thải, mùi. Công ty cũng đã gia cố làm kín tường nhà lò hơi phía gần khu dân cư để hạn chế tiếng ồn phát sinh từ hệ thống lò, đang chuẩn bị lắp giảm âm máy thổi khí để khắc phục tiếng ồn; xây dựng tường bao khu vực đặt máy thổi khí hệ thống xử lý nước thải. Thực hiện phân tách hoàn chỉnh hệ thống nước thải từ tất cả các phân xưởng sản xuất, tách hệ thống nước mặt làm cho nước mặt không lẫn lộn nước thải, để tăng  sức chứa nước thải và dự kiến sẽ đầu tư thêm hệ thống xả nước tự động trong năm 2014.
 
Công ty tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Công ty tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
 
Hiện nay, cơ bản công ty đã xử lý được nguồn nước xả thải (quan sát bằng mắt thường tại đầu cống xả trực tiếp trong nhà máy và phía ngoài miệng cống thải ra mương số 3 thì nước khá trong, không kèm tạp chất). Chính ông Trần Văn Giáo – Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐND phường Trường Thi cũng thừa nhận: “Ngày chủ nhật 20/4, tôi đi kiểm tra nguồn nước thải  đầu nguồn của Công ty CP Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh tại mương số 3, thấy nước thải rất trong, nên mới mời một số người dân đến xem. Như vậy, Công ty đã chấp hành tốt việc xử lý nước thải rồi”.
 
Để xử lý bụi than, Công ty cũng đã hoàn chỉnh hệ thống dập bụi ướt, đầu tư thêm 3 bơm dự phòng, 1 bể lắng trong tách cặn bụi than rơi xuống, xây tường bao cao ở khu vực phía tây tiếp giáp với khu dân cư và hiện đang làm việc với nhà thầu tiếp tục đầu tư xi lô xử lý bụi khô. Bởi vậy, thực tế đi dọc tuyến đường của tổ dân cư khối 10 ngay phía sau lưng nhà máy và vào trong nhà một số hộ dân thời điểm hiện tại không thấy có hiện tượng “bụi than rơi dày ngõ phố và nhà dân” như trong đơn kêu cứu ngày 15 tháng 3 năm 2014 phản ánh. Những cây xanh dọc tuyến đường và trong khuôn viên nhà dân lá vẫn rất xanh tươi... 
 
Trong quá trình sản xuất, ngoài các chất ô nhiễm không khí kể trên, tiếng ồn, độ rung cũng là một yếu tố mang bản chất vật lý và ảnh hưởng đến môi trường không khí. Tiếng ồn phát sinh chủ yếu từ hoạt động của một số máy móc thiết bị trong Công ty như máy nén khí không dầu, từ nồi hơi đốt than (khi khởi động quạt hút và khi xả hơi quá áp qua van an toàn); từ quạt hút của hệ thống lọc bụi, và từ hoạt động của xưởng cơ khí, các phương tiện cơ giới (tiếng ồn do quá trình vận chuyển nguyên, nhiên liệu, sản phẩm và của các phương tiện ra vào giao dịch trong Công ty)…
 
Để hạn chế tối thiểu tác động của tiếng ồn, rung động, Công ty lựa chọn sử dụng 1 máy nén khí không dầu Ingersoll Rand của Mỹ và 2 máy nén khí không dầu Atlas Copco của Thủy Điển, đây là loại máy hiện đại, vận hành êm, độ ồn không cao. Tuy nhiên máy có công suất lớn có độ ồn cao (Máy nén khí AtlasCopco công suất 75 KW) đó được đưa vào phía trong để giảm tiếng ồn cho dân cư lân cận. Sử dụng nồi hơi đốt than 8 tấn/h của Trung Quốc; trong hệ thống chỉ có quạt hút có công suất 45 KW có tiếng rít khi khởi động, để giảm tiếng ồn ảnh hưởng khu vực dân cư, Công ty đã lắp đặt vào giữa nhà máy, có tường bao kín, giảm tối đa tác động của tiếng ồn ra bên ngoài. Còn tiếng ồn phát ra từ việc xả hơi ra qua van an toàn khi quá áp, công ty đã dẫn miệng xả vào phía trung tâm và cho xuống đường cống, chú ý không để dư áp, tránh lãng phí hơi và gây ồn... 
 
Về mùi hôi, tuy không đến nỗi “khuyếch tán đậm đặc trong không khí”, nhưng xét một cách khách quan, cả phía trong khu vực nhà máy và tuyến đường phía sau nhà máy thì vẫn có mùi như mùi cám lợn, từ khâu ép bã thải, nhất là khi thời tiết thay đổi thì quả là nồng nặc. Còn việc một số người dân cho rằng năm 2014, Công ty Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh vẫn bị Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường xử phạt vi phạm hành chính nhưng giấu không cho dân biết. Thực tế theo tìm hiểu của chúng tôi quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 06 ngày 17 tháng 1 năm 2014 nhưng nội dung xử phạt là năm 2013 (Lúc này, công ty  vừa xảy ra những sự cố liên quan đến hệ thống nước thải và khói lò như đã đề cập ở bài trước). Trong quyết định 06 ghi rõ vào thời điểm kiểm tra (năm 2013) công ty “Thải khí Co vượt quy chuẩn kỹ thuật chất thải 2,1 lần trong trường hợp lưu lượng khí thải là 13.200m3/giờ quy định tại điểm d, khoản 4 điều 11 Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009. Tuy nhiên “xét tình tiết: đã khắc phục, bảo dưỡng hệ thống lò đốt và kết quả phân tích khí thải sau khi khắc phục đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải” nên thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường đã xử phạt hành chính số tiền 40 triệu đồng.
 
Lãnh đạo công ty cho hay: Để hạn chế mùi hôi, Công ty chuyển toàn bộ hệ thống hút mùi nằm trên khu vực bể yếm khí chuyển xuống vị trí thích hợp, thảm bê tông làm kín bể yếm khí, làm nhà có mái che cho bể lắng đầu vào, tăng diện tích cây xanh, lắp đặt hệ thống hút mùi để phòng ngừa mùi hôi phát tán, hoàn chỉnh hệ thống hút mùi, hệ thống đường ống để từ đó gom  tất cả các mùi phát tán từ  bể lắng đầu vào, từ bể nén bùn, máy ép bùn về hệ thống khử mùi chung liên hợp là xử lý bằng ô zôn, bằng than hoạt tính, mạt sắt, sục qua dung dịch xút loãng sau đó mới ra môi trường. Bụi phát sinh từ khâu xay nghiền được xử lý bằng phương pháp lọc kiểu Xyclo túi vải; Bụi phát sinh từ khu vực lò hơi được xử lý bằng phương pháp lắng bụi kiểu ướt. Khí CO2 sinh ra từ quá trình lên men chính được thu hồi triệt để bằng thiết bị thu khí CO2 (công suất 300 Kg/h).
 
Toàn bộ khí CO2 thu hồi để nạp cho bia. Các khí khác CO, SO2, CO2, CO,… phát sinh từ lò hơi được phát tán ra không khí nhờ 2 ống khói có chiều cao 26m. Các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN. Công ty còn đầu tư thêm trạm hút mùi ở bể cân bằng để đảm bảo tính bền vững. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó giám đốc Công ty  bày tỏ: “Nhận thức bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của doanh nghiệp nên công ty đang tập trung triển khai các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường một cách bền vững, chúng tôi hy vọng thời gian tới người dân khối 10 và các khối xung quanh của phường Trường Thi chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ghi nhận sự cố gắng của công ty trong bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ số điện thoại của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong công ty, nếu có sự cố gì xảy ra đề nghị nhân dân có sự phản ánh và kết hợp với chúng tôi xử lý trên tinh thần khách quan, để công ty càng ngày càng đảm bảo tốt hơn vấn đề về môi trường”.
 
Rõ ràng, xét một cách khách quan, Công ty Cổ phần Bia - Sài Gòn, Nghệ Tĩnh đã và đang có những nỗ lực để khắc phục ô nhiễm, gắn sản xuất với đảm bảo môi trường. Ngay chính những người phản đối tích cực nhất ở khối 10 như ông Nguyễn Văn Mai - Phó bí thư chi bộ, Khối trưởng khối 10 hay cũng thừa nhận “So với trước đây thì tình hình ô nhiễm của nhà máy bia có khá hơn, có cố gắng… nhưng “vì là cán bộ, khi dân yêu cầu phải làm hết trách nhiệm với dân” “Chi bộ đã có nghị quyết phải thay mặt dân đấu tranh, không để dân tự phát”.
 
Bà Nguyễn Thị Mỹ (Chi hội trưởng hội phụ nữ khối 10, Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP Phường Trường Thi - người mà theo lời ông Mai là được giao nhiệm vụ “trực tiếp đưa đơn đến các nhà và các khối ký”) còn cho biết: “Từ chỗ mất niềm tin, dân bức xúc nên có những hành động tự phát như đắp mương, tôi là cán bộ, đảng viên về hưu, lúc đó tôi đi Hà Nội, nếu tôi ở nhà tôi sẽ can thiệp. Hôm tết người dân còn chuẩn bị băng cờ, khẩu hiệu để áp lên các bờ tường … nhưng tôi phản ánh kịp thời với phường để ăn tết cho vui vẻ”. “Bản thân tôi vẫn giữ được phẩm chất của người đảng viên, tôi vẫn động viên, khuyên bảo mọi người… nhưng nhiều khi người ta nói “bà ngồi yên đó” tôi thấy mình bị tẻ nhạt, bị cô lập”. Tuy nhiên ông Mai và bà Mỹ vẫn là những người tích cực nhất  trong việc “đại diện nhân dân” kiên quyết yêu cầu nhà máy bia phải di chuyển khỏi khu vực dân cư vì cho rằng nhà máy bia không thể khắc phục được ô nhiễm môi trường như công văn của tỉnh yêu cầu...
   
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, không phải tất cả người dân mà chỉ là một bộ phận người dân (tập trung chủ yếu ở khu vực khối 10 - nơi gần nhà máy bia nhất) có thắc mắc, yêu cầu di dời nhà máy bia ra khỏi khu vực khu dân cư và kiến nghị nhà máy bia phải bồi thường khắc phục tình trạng sức khỏe. Còn lại các khối khác, người dân (chủ yếu là những hộ ở dọc mương thoát nước thải số 3) yêu cầu khắc phục tình trạng ô nhiễm ở mương thoát nước thải số 3 của thành phố. Xóm trưởng, bí thư một số khối  ký vào đơn kiến nghị kêu cứu ngày 15 tháng 3 năm 2014 (quanh khu vực trường Đại học Vinh) đều cho rằng bản thân gia đình họ cũng không ảnh hưởng nhiều vì ở xa, họ chỉ ký vào đơn với tư cách đại diện các hộ dân trong xóm sống dọc mương số 3.
 
Ông Phạm Bá Vững - Bí thư chi bộ khối 9 cũng cho biết “Thực tế không ảnh hưởng gì, chỉ một số hộ ở gần mương số 3 kiến nghị về ô nhiễm nhưng có cả nước thải nhà máy, có cả nước sinh hoạt của dân, rồi chất thải chăn nuôi gà, vịt… các ông nói ký thì tôi ký”. Ông Nguyễn Duy Khoa - Khối trưởng khối 8 “Tôi ký đại diện cho 20 hộ dọc mương số 3. Nguyện vọng của dân là khắc phục ô nhiễm mương số 3”. Ông Nguyễn Phúc Bàng – Khối trưởng khối 7 “22 hộ dọc mương số 3 chỉ kiến nghị về ô nhiễm môi trường ở mương. Một số đề nghị di chuyển nhà máy nhưng tôi nghĩ di chuyển là khó. Vấn đề là khắc phục ô nhiễm”…
 
Hiện nay, Thành phố Vinh cũng đã thành lập tổ giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Công ty Bia có sự tham gia của đại diện các tổ dân cư. Theo kế hoạch thì tổ giám sát có thể vào giám sát tại nhà máy bia bất cứ lúc nào, thời điểm nào. Bởi vậy, người dân cũng nên rộng mở tấm lòng, chia sẻ với doanh nghiệp, để Công ty Bia thực hiện các giải pháp khắc phụ ô nhiễm môi trường, chứ không nên quá cực đoan “Yêu nhau quả ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”.  Hơn nữa, dẫu sao Công ty Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh cũng đã đóng chân ở phường Trường Thi hơn 30 năm, đồng hành cùng sự phát triển của phường, của Thành phố Vinh và rộng hơn là của tỉnh Nghệ An.
 
Ngoài việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống, công ty còn giải quyết việc làm cho nhiều thế hệ lao động, trong đó có con em phường Trường Thi nói chung và người dân khối 10 nói riêng. Trong phường có những gia đình đã có nhiều thế hệ gắn bó với công ty bia, có bố con, mẹ con, vợ chồng, anh em… cùng làm việc trong nhà máy bia. Nếu bây giờ  bắt buộc nhà máy “phải ngừng sản xuất hay di chuyển” như một số người dân yêu cầu cho “đã cơn giận” thì không chỉ nhà máy bia thiệt hại, tỉnh bị ảnh hưởng về nguồn thu ngân sách mà còn kéo theo hơn 240 lao động đang làm việc ở nhà máy, hàng nghìn lao động ở hơn 70 đại lý, hơn 1.700 điểm bán lẻ mất việc làm. Chưa tính đâu xa ngay như ở phường Trường Thi sẽ có 63 lao động gặp khó khăn vì không có việc làm đồng nghĩa với không có thu nhập. Lúc đó chắc là cũng chẳng ai vui vẻ gì…
 
Nhìn rộng hơn, hiện nay Nghệ An đang tập trung thực hiện Nghị quyết 26 của  của Bộ Chính trị: phấn đấu xây dựng Nghệ An thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; là trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ. Để thực hiện được mục tiêu này, cần cả sự  đồng lòng, góp sức của người dân và doanh nghiệp. Lợi ích của tỉnh cũng chính là lợi ích của nhân dân. Doanh nghiệp phát triển thì tỉnh mới có sự bứt phá để đi lên, tỉnh giàu mạnh thì cuộc sống của nhân dân, các quyền lợi của người dân trong đó có quyền được bảo vệ sức khỏe, được sống trong môi trường an toàn mới được đảm bảo.
 
Sở dĩ trước đây tỉnh đã từng có chủ trương di dời nhà máy vì thời điểm đó (năm 2011, 2012) nhà máy bia chưa khắc phục được vấn đề ô nhiễm, hệ thống xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu ảnh hưởng đến môi trường. Còn hiện tại, nhà máy cơ bản đã khắc phục, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Ông Bạch Hưng Cử - Phó Chi cục trưởng Chi cục  Môi trường Nghệ An  khẳng định: “Trước đây qua các đợt kiểm tra về vấn đề ô nhiễm môi trường tại doanh nghiệp này, thì các cấp, ngành chức năng đều đã phát hiện, xử  lý kịp thời và tùy theo mức độ vi phạm để áp dụng mức phạt hành chính và theo đúng quy định của pháp luật”.
 
Được biết, cho đến nay chưa có văn bản nào của các đoàn  kiểm tra kết luận Công ty CP Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh phải dừng sản xuất hoặc phải di dời do gây ô nhiễm môi trường, bởi vậy vấn đề này cần được xem xét một cách thấu tình, đạt lý trên cơ sở vừa bảo đảm cho người dân yên tâm ổn định cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất – kinh doanh. Nếu như tỉnh “vô cớ” yêu cầu doanh nghiệp ngừng sản xuất hay di chuyển thì chưa kể đến việc vi phạm pháp luật mà hình ảnh của Nghệ An trong mắt các nhà đầu tư sẽ như thế nào? Liệu còn doanh nghiệp nào dám đầu tư vào Nghệ An? Như vậy, những nỗ lực của cả tỉnh trong việc xây dựng hình ảnh, thu hút đầu tư từ trước đến nay sẽ đổ xuống sông, xuống bể.
 
Lẽ thường  ai cũng có lúc chưa đúng, chưa tốt nhưng điều quan trọng là họ nhận thức được vấn đề và có những động thái tích cực để sửa sai. Trong trường hợp này, những gì mà nhà máy bia đã và đang nỗ lực khắc phục thì người dân cũng nên ghi nhận, chia sẻ, không nên vin vào những tồn tại trước đây để nói về thời điểm hiện tại, để “ bắt chẹt” doanh nghiệp và gây sức ép với chính quyền. Cũng không nên có những hành động manh động mang tính tự phát, dễ dẫn tới vi phạm pháp luật như quyên góp tiền để lấp mương. Ai cũng phải hiểu rõ, mương số 3 là công trình thoát nước và xả thải của nhà nước, phục vụ dân sinh, nên nếu xâm hại đến công trình công cộng phục vụ dân sinh này là đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật. Đồng thời chúng ta cũng cần cảm thông và mở lòng hơn, để sẻ chia với doanh nghiệp.
 

Quy trình công nghệ xử lý nước thải của nhà máy Bia Sài Gòn- Nghệ Tĩnh

*Máy tách rác thô, hố ga 1
 
Nước thải từ nhà nấu, nhà chiết, nhà xuất bia hơi và các xưởng,…theo hệ thống mương dẫn chảy về hố ga 1. Nước thải trước khi vào hố ga 1 được đi qua máy tách rác thô (kích thước các khe 5 – 10 mm) để loại bỏ những thành phần có kích thước lớn, có thể có ảnh hưởng đến bơm.
*Bể lắng cặn, máy tách rác tinh 
Nước thải trước khi vào bể lắng cặn sẽ được đi qua máy tách rác tinh (kích thước khe 1mm) để loại bỏ rác, tạp chất có kích thước nhỏ còn lại. 
Bể lắng cặn được thiết kế theo kiểu lắng hướng tâm, có nhiệm vụ lắng các tạp chất, bùn, bã…đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các quá trình xử lý tiếp theo. Nguyên tắc hoạt động của bể lắng cặn: Nước thải chảy theo ống trung tâm từ dưới lên trên, còn cặn trượt liên tục theo ống xuống không gian chứa cặn. Dàn quay quay với vận tốc 3 phút/vòng. Khi dàn quay quay cặn lắng được dồn về hố thu (trung tâm bể) nhờ hệ thống cào gom cặn gắn ở phần dưới dàn quay hợp với trụ 1 góc 150.
*Bể điều hòa
Nước thải sau khi đi qua bể lắng cặn theo ống dẫn chảy tràn sang bể điều hòa. Tại bể điều hòa được điều chỉnh pH sao cho pH nằm trong khoảng 6,8-7,2. Ngoài ra, trong bể điều hòa được lắp hệ thống sục khí để đảm bảo hòa tan, đồng đều nồng độ các chất trong toàn bộ thể tích bể và để tránh lắng cặn.
*Bể xử lý yếm khí
Nước thải sau khi được điều hòa về lưu lượng, nồng độ và điều chỉnh pH tại bể điều hòa , được bơm vào bể xử lý yếm khí. Tại đây xảy ra quá trình lên men yếm khí và các quá trình chuyển hóa chất hữu cơ thành các chất khí CO2, CH4, NH3, H2S…trong đó khí CH4 chiếm tỷ trọng lớn nhất. Lượng khí metan (CH4) sinh ra từ quá trình phân hủy được thu gom đưa vào hệ thống đốt khí . Nước thải sau khi qua bể này hàm lượng COD, BOD sẽ giảm.
*Bể lắng bùn và bể trung gian
Nước thải sau khi đi qua bể xử lý yếm khí chảy tràn sang 2 ngăn lắng bùn. Bể lắng bùn có chức năng lắng lượng bùn có trong nước thải đi từ bể xử lý yếm khí sang và bể được thiết kế dạng lắng kiểu lớp mỏng, hỗn hợp nước thải và bùn sẽ đi qua các vách đặt nghiêng 600, phần bùn sẽ lắng dưới đáy, phần nước sẽ chảy theo ống dẫn chảy tràn sang bể trung gian. 
Trong bể trung gian có lắp đặt hệ thống sục khí để tạo sự chuyển pha giữa quá trình xử lý yếm khí và hiếu khí. 
*Bể xử lý hiếu khí – SBR
Nước thải sau khi đi qua bể trung gian được bơm sang bể xử lý hiếu khí theo mẻ (SBR). Quá trình oxy hóa chất bẩn tại bể này là nhờ vào bùn hoạt tính hiếu khí. Bể SBR xử lý nước thải theo 5 giai đoạn kế tiếp nhau:  Nạp nước vào bể - Sục khí tạo phản ứng sinh hóa giữa nước thải và bùn hoạt tính - Lắng trong nước - Tháo nước đã được lắng trong ở phần trên ra mương số 3 - chờ đợi để nạp mẻ mới.
*Xi lô chứa bùn
Hàng ngày phần cặn, bùn ở bể lắng cặn, bể lắng bùn và phần bùn dư ở bể xử lý hiếu khí được bơm về các xilo chứa bùn châm dung dịch polyme để tách 2 phần: nước trong và phần bùn. Phần nước trong sẽ xả về hố ga 1, phần bùn được đưa đi ép.
*Máy ép bùn
Bùn từ các xilo sẽ được bơm vào ngăn hòa trộn của máy ép bùn. Tại ngăn này bùn được cấp lượng hóa chất polyme bằng hệ thống bơm định lượng. Sau đó bùn được bơm lên băng tải ép, quá trình làm khô bùn được xả ra tại đây. Phần bùn khô được giữ trên băng tải và được đóng bao vận chuyển xử lý. 
*Hệ thống hút mùi khử mùi.
Hiện nay nhà máy đã lắp và vận hành hệ thống hút và khử mùi ở hệ thống xử lý nước thải. Các khí gây mùi như H2S, NH3, CH4, …chủ yếu được phát sinh từ quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ và từ các bể yếm khí, các hố ga được thu về nhờ quạt hút, và xục khí ozone khử mùi hôi.
Nhóm phóng viên 
nguồn : baonghean.vn